Hội thảo góp ý Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sáng ngày 1.10 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc đưa ra cơ chế hòa giải tại tòa án là một bước đi tiếp theo nhằm cải cách tư pháp, để cho hệ thống tòa án trở nên thân thiện hơn và quyền tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm hơn. Hoạt động hòa giải tại tòa án đã được thí điểm tại một số địa phương và mang lại kết quả tích cực.

“Mặc dù vậy, các quy định cụ thể của đạo luật này sẽ tác động như thế nào đến việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại thì vẫn đang được nghiên cứu, đánh giá”, ông Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, điều tra PCI năm gần nhất cho thấy có 45% doanh nghiệp có tranh chấp cho biết sẵn sàng mang tranh chấp ra toà, nhưng đó là với doanh nghiệp trong nước. Còn hỏi 2000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì chỉ có 8% có câu trả lời tương tự. Vì thế, nâng cao hiệu quả hoạt động của toà án, giảm chi phí giải quyết tranh chấp là vấn đề rất quan trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam cho rằng: “mặc dù số lượng các vụ hòa giải giữa các doanh nghiệp tại tòa ở Việt Nam còn chưa nhiều nhưng nhu cầu hòa giải, thương lượng tại tòa ngày càng tăng do các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được quyền lợi của mình khi đưa vấn đề tranh chấp, hòa giải ra tòa. Về mặt thực tiễn, các doanh nghiệp tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa sẽ giảm thiểu chi phí, thời gian cho các bên. Chi phí dành cho việc hòa giải, đối thoại cũng cần phải lưu ý để thống nhất thu phí một lần, tránh việc phí chồng phí”.

Ông Nguyễn Ngọc Quang (bên phải) – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam tại Hội thảo

Ông Tống Anh Hào, thẩm phán TANDTC nhìn nhận, con đường giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại khiến các bên giải quyết tranh chấp bằng đưa ra 1 phương án đồng thuận là tốt nhất. Và sau hòa giải thành, các bên còn có thể tiếp tục hợp tác với nhau.

Phương thức này còn rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp, tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian, công sức, và với sự đồng thuận, việc thi hành cũng tự nguyện.

 

Ông Tống Anh Hào, thẩm phán TANDTC phát biểu tại hội nghị

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng nếu không thu phí thì khó thu hút được các hoà giải viên tâm huyết tham gia, tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, tạo ra sự bất hợp lý đối với các trung tâm hoà giải khác như hoà giải thương mại.

Còn phương án có thu phì thì băn khoăn của ông Truyền là liệu có phí chồng phí hay không, nếu hoà giải không thành, khi dự thảo chưa đưa ra cơ chế cho việc xử lý án phí thế nào khi trung tâm hoà giải tại toà đã thu phí khi chuyển sang thụ lý cũng vẫn toà án đó lại thu thêm lần phí cho xét xử?

Ở vị trí chủ toạ, ông Tống Anh Hào, thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao phản hồi, mục đích ban hành luật là tạo ra cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hoà giải, đối thoại tại toà án và giảm tải công việc của toà nên dự kiến nhà nước sẽ chi là chủ yếu.

Hiện nay ngay cả án phí của toà án cũng thu mang tính chất nghĩa vụ tượng trưng chứ không đủ bù đắp chi phí, có vụ án phí chỉ có 300 ngàn đồng, chưa đủ để tổ chức 1 phiên toà đừng nói chi phí cho quá trình thu thập chứng cứ, ông Hào nói.

Hoàng Sâm

Các tin khác

Ngành công thương cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách

Ngành công thương cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách

Ngành công thương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, phải có “mãnh lực” vươn lên, không để tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.

Chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng 16.600 tỷ đồng

Chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng 16.600 tỷ đồng

Theo thống kê, trong tháng 7/2021 và 20 ngày đầu tháng 8/2021, giá nhiên liệu đầu vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Bộ Công Thương đề xuất giải pháp gỡ khó cho '3 tại chỗ'

Bộ Công Thương đề xuất giải pháp gỡ khó cho '3 tại chỗ'

Cho phép người lao động được về nhà, kịch bản cách ly ca nhiễm với sự hỗ trợ của y tế địa phương... là những đề xuất được đưa ra để củng cố mô hình sản xuất "3 tại chỗ".